Mô hình trồng hoa địa lan hộ ông Vàng A Dủng thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên
07/08/2024
Xã Hoàng Liên, có 8 thôn, với hơn 1.018 hộ dân, với hơn 6.000 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm 98%. Trong đó thôn Sín Chải có 94 hộ, 566 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo gồm 35 hộ chiếm 37,2%, cận nghèo 17 hộ chiếm 18,08 %. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển sang trồng địa lan, cây ăn quả, đời sống của người dân trong xã đã từng bước được nâng lên. Trong đó cây địa lan đã và đang trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế được cấp ủy, chính quyền và nhân dân thôn Sín Chải kỳ vọng giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ thôn Sín Chải: 27 hộ/680 chậu.
Trong những hộ làm kinh tế giỏi của thôn Sín Chải có ông Vàng A Dủng là một trong những hộ trồng nhiều địa lan sớm nhất ở thôn Sín Chải, hiện gia đình có gần 500 chậu địa lan, Năm 2005, ông lấy giống địa lan trên rừng về trồng, qua một thời gian trồng thấy giống địa lan này phù hợp và phát triển tốt. Năm 2022, năm 2023, gia đình bán được gần 200 chậu địa lan, thu về hơn 400 triệu đồng. Ông Vàng A Dủng chia sẻ trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm nhưng sau khi trồng cây địa lan đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định hơn, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, gia đình tôi có thêm điều kiện mua xe, dựng lại nhà mới khang trang và chăm lo con cái học hành chu đáo, cuộc sống được đảm bảo. Ngoài cây địa lan ông Vàng A Dủng còn trồng thêm các loại cây ăn quả như đào, mận, lê…
Ông Vàng A Dủng cũng là người đi đầu trong việc tuyên truyền, giải thích để bà con nhân dân trong thôn hiểu và tham gia mô hình trồng địa lan; ông còn giúp đỡ các hộ dân trong thôn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan. Ông luôn nhắn nhủ với bà con trong thôn, người trồng địa lan phải hiểu được đặc tính của cây để chăm sóc thì cây sẽ sinh trưởng tốt đẻ nhiều nhánh, ra nhiều hoa, bông hoa sẽ dài và to với sắc màu tươi mới.
Tại các buổi họp thôn, sinh hoạt hội nông dân ông chỉ cho bà con Mô hình trồng cây hoa địa lan không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng trong bảo vệ rừng.
Hướng phát triển gắn với cây hoa địa lan đang mở ra cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết nông dân và thị trường một cách chặt chẽ, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo của thôn. Những nông dân trước kia chỉ trông chờ vào lúa, ngô, khoai, sắn... đau đáu với nỗi lo mất mùa, đang dần thay đổi thói quen. Chính những vườn trồng cây địa lan đã gieo vào họ tư duy thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi mô hình cây trồng để đem lại thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ sự hỗ trợ của ông Vàng A Dủng trong những năm qua cuộc sống của bà con nhân dân thôn Sín Chải đã có nhiều đổi thay, thôn có 94 hộ dân, trong đo có một nửa số hộ dân trong thôn chuyển sang trồng hoa địa lan.
Chú thích ảnh
Kim Tuyến